TUYÊN TRUYỀN VỀ CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI 2018
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày
28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông, trong nghị quyết quy định: "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm
tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ
thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển
nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn
diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt
nhất tiềm năng của mỗi học sinh"; quán triệt Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018
của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách
giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình
giáo dục phổ thông mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục
phổ thông năm 2018 như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022
đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm
học 2023- 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5,
lớp 9 và lớp 12.
Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp
học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng
đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù
hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính,
nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sốngcó ý nghĩa và
đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu
tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần,
phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia
đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất,
năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản
thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập
tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu
về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ
thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển
những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách
công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề
nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để
tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích
ứng với những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp
mới.
Cấu trúc Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương
trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể là văn bản quy định
những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ
thông. Chương trình môn học và hoạt động giáo dục là văn bản xác định vị trí,
vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ
thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học và
hoạt động giáo dục ở mỗi lớp học hoặc cấp học.
Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những
phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi. Các phẩm chất chủ yếu bao gồm: yêu
nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực cốt lõi bao gồm
năng lực chung và năng lực đặc thù, năng lực chung bao gồm: năng lực tự chủ và
tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;
năng lực đặc thù bao gồm: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm
hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm
mỹ, năng lực thể chất. Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển một nền giáo
dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng
lực học sinh; thay việc trước đây học sinh học "biết được cái
gì" bằng học sinh học để "làm được những
gì".
Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo
dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp
(từ lớp 10 đến lớp 12).
Hệ
thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm:
- Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: là môn học mà mọi học sinh đều phải
học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia.
- Môn học tự chọn: là môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện
vọng.
- Môn học lựa chọn: là môn học được học sinh chọn trong số các môn theo quy
định, đáp ứng định hướng nghề nghiệp.
Cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; cấp THCS và THPT thực hiện dạy học
1 buổi/ngày. Khuyến khích các trường THCS, THPT đủ điều kiện thực hiện dạy học
2 buổi/ngày theo hướng dẫn BGD&ĐT.
Để chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua ngành
giáo dục huyện đã tích cực tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ
thể: Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân huyện Lệ Thủy về Kế hoạch thực hiện Chương
trình giáo dục phổ thông theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng
Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo
dục phổ thông; Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân huyện Lệ Thủy về Kế hoạch đảm bảo
cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông
trên địa bàn huyện Lệ Thủy giai đoạn 2019-2025. Đồng thời ngành giáo dục đã tổ
chức cho cán bộ cấp phòng, cán bộ quản lý các trường tiểu học tham gia tập huấn
về Chương trình giáo dục phổ thông mới do cấp Bộ, Sở tổ chức.
Để triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình,
thời gian tiếp theo cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp uỷ đảng, chính quyền
từ huyện đến cơ sở, toàn thể xã hội, cụ thể:
+ Đối với cấp uỷ, chính quyền: biến nhận thức phát triển giáo dục là quốc sách
thành hàng đầu, chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ xây dựng cơ sở vật chất, đầu
tư trang thiết bị đảm bảo điều kiện dạy và học.
+ Đối với cán bộ quản lý trường học: chủ
động triển khai các văn bản chỉ đạo tới toàn thể giáo viên, nhân viên, học
sinh; rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đánh giá sắp xếp đội ngũ giáo
viên, nhân viên; phối hợp với Đài phát thanh xã, thị trấn viết bài tuyên truyền
về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong cấp uỷ, chính quyền địa
phương, tới toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh, PHHS, nhân dân và toàn xã
hội để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các lực lượng xã hội. Báo cáo kế hoạch với
địa phương, chủ động dự kiến phân công giáo viên tham gia học tập bồi dưỡng để
nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với việc thực hiện chương trình giáo dục
phổ thông mới.
+
Đối với giáo viên: nhận thức rõ giáo viên là nhân tố quan trọng nhất
để thực hiện chương trình, dạy học theo chương trình; sự thay đổi thành công
hay không không phải là chương trình, sách giáo khoa mà phải là thay đổi của
người giáo viên; giáo viên phải giải phóng tư tưởng là phải yêu nghề, tâm huyết
với nghề, luôn luôn tự học; chủ động, sáng tạo, phát huy sáng tạo cao nhất;
thầy cô phải bám sát đối tượng học sinh, phải có động lực dạy học; thầy cô thay
đổi "dạy học sinh cái gì?" trước đây
bằng "dạy bằng cách nào?" để học sinh học
xong chương trình "làm được cái gì?" thay
cho "biết được cái gì?".
+ Đối với học sinh: xác định rõ mục
tiêu, động cơ học tập, học tập để làm gì?; phát huy phẩm chất năng lực, chủ
động trong học tập, học tập vì chính bản thân mình.
+ Đối với phụ huynh học sinh: phải
đổi mới chương trình từ trong gia đình, PHHS không phó mặc con cho nhà trường,
trách nhiệm của cha mẹ là rất lớn; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thầy cô
giáo nắm được điểm mạnh, điểm yếu của con mình để cùng nhà trường dạy các con,
đào tạo ra con người đầy đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh đưa đất nước bước tới
đài vinh quang như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.