Tài thao lược của vị
Đại tướng nhân dân
Xuất thân là một giáo viên dạy lịch sử,
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) đã sớm tham gia vào các hoạt động cách
mạng khi còn là một cậu thiếu niên.
Tuy nhiên sự nghiệp quân sự của ông chỉ
chính thức bắt đầu từ năm 1940 khi Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam
cùng Phạm Văn Đồng lên Lào Cai rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nhìn ra cái tâm và cái tài của chàng thanh niên này.
Ngày 22/12/1944, theo chỉ đạo của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) tại chiến khu
Trần Hưng Đạo với 34 đội viên. Chỉ 3 ngày sau đó, ngày 25/12/1944, đồng
chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích
diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của
cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự
trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu của Quân đội
Nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh vĩ đại.
Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân
sự nào, không trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp được
phong hàm đại tướng ngày 28-5-1948. Ông trở thành vị đại tướng đầu tiên của
Quân đội Nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi. Ông là vị chỉ huy chính trong các
chiến dịch quan trọng, có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của
dân tộc.
Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin tưởng trao toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện
Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Chú đi xa
như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”, Đại tướng trả lời: “Thưa bác!
Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ
Chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú
toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau.” Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ
thị: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không
chắc thắng không đánh.”
Và trong chiến dịch đó, với tư cách là
Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Đại tướng đã đưa ra một quyết định
lịch sử - “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi,” như sau này đại tướng
đã chia sẻ. Đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh”
sang “đánh chắc, tiến chắc.” Với quyết định sáng suốt này, trận quyết
chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất với sự hy sinh
xương máu thấp nhất.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết
quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và nỗ lực của toàn quân,
toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận đặc biệt:
Căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế-Đà Nẵng,
phía Nam giữ địch ở Sài Gòn, làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa là miền
Trung, Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào thế trận do ta sắp đặt, quân ta
bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, ta
giải phóng Huế, Đà Nẵng đẩy địch vào thế tan rã. Sau đó ta tập trung toàn bộ
lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.
Có thể nói, với nhãn quan thiên tài về
quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa tinh hoa quân sự của thế giới,
phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh nhân dân của truyền thống đấu tranh
chống giặc ngoại xâm của dân tộc, phát huy tư tưởng quân sự và sự chỉ đạo sâu
sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên những chiến thắng vẻ vang, làm rạng
danh dân tộc Việt Nam anh hùng.
Những chiến thắng vĩ đại của cách mạng
Việt Nam mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên đã tác động
mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Những chiến tích ấy đã nâng ông lên tầm
một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu
son rực rỡ trong lịch sử quân sự không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.
Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là
một tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi
hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho
ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn
bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua từng là đối thủ, đứng ở
bên kia chiến tuyến.